NGUYÊN NHÂN VÀ NHỮNG NGUY CƠ CHÁY NỔ KARAOKE, VŨ TRƯỜNG, QUÁN BAR
Do đặc thù kinh doanh những vũ trường, quán karaoke thường xây kín để tránh tiếng ồn, mặt trước của toà nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo rất lớn, che kín ban công và các lối thoát nạn, điều kiện thông gió gần như là không có. Các vũ trường, quán karaoke thường được sử dụng các vật liệu trang trí nội thất cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao su, phông rèm…
- Khi có cháy, lửa bốc lớn và cháy lan rất nhanh, toà nhà rất nhiều khói khí độc. Hệ thống đèn Led trang trí rất nhiều, do tiết kiệm chi phí thường sử dụng các loại vật liệu kém chất lượng, tự nó cũng rất dễ gây chập, cháy, nổ. Vì vậy, khi xảy ra cháy nổ sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc thoát nạn, lực lượng chức năng cũng khó tiếp cận hiện trường để dập lửa. Chính vì vậy, các vụ cháy quán bar, karaoke thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
- Do tận dụng tối đa diện tích sàn cho kinh doanh nên các cầu thang bộ, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối tăm. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, không đảm bảo số lối ra thoát nạn.
- Chỉ có duy nhất một cầu thang thoát nạn hở bên trong nhà, không có lối ra mái, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn. Vì vậy khi có sự cố tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh không được đấu nối chắc chắn, gọn gàng, không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện. Chính vì vậy, nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện của các cơ sở này là rất cao.
- Chủ cơ sở kinh doanh karaoke thiếu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng.
QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY, CƠ SỞ KINH DOANH VŨ TRƯỜNG, KARAOKE
Thực hiện theo Thông tư số 147/2020/TT-BCA gồm 3 Chương 12 Điều quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, bao gồm: Điều kiện an toàn, thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.
- Đối với các cơ sở từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, những cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
- Cơ sở cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.000 m3 phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 136/2020 như: Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy, chữa cháy khác...
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được bố trí trong nhà cao tầng, nhà đa năng bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 136/2020: Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; cử người tham gia đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở…
Quy định thiết kế về PCCC
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường độc lập cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường nằm trong nhà, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải bảo đảm có khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy với các công trình khác theo quy định của QCVN 06:2020/BXD "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình". Khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tới trường học thực hiện theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường…
- Xây dựng phương án chữa cháy cứu nạn - cứu hộ, đề ra tình huống phức tạp nhất nhằm phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn khi có sự cố xảy ra, đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại cơ sở.
- Tổ chức huấn luyện cho những người sống và làm việc trong cơ sở theo phương án đã đề ra, hướng dẫn họ sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị và kỹ năng thoát nạn khi có cháy.
- Niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, trang bị đầy đủ thiết bị PCCC như bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn tại nơi quy định; trang bị thang dây thoát nạn, dây hạ chậm tại ban công, logia hoặc tầng mái của cơ sở; trang bị búa, rìu, phương tiện phá dỡ đặt ở bên trong cơ sở.
- Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng. Đường dây dẫn điện phải đi trong ống gen bảo vệ và phải tính toán đủ tiết diện đảm bảo cấp cho các thiết bị tiêu thụ (trong đó phải tính đến cả dự phòng), trước các thiết bị tiêu thụ dòng điện lớn phải có attomat bảo vệ; lắp đặt bổ sung thiết bị ngắt mạch khi có sự cố chập điện (bảo vệ quá tải và chống rò) để đảm bảo ngắt mạch một cách thông minh những nguyên nhân gây cháy do chập điện.
- Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo che lấp các ban công, logia của cơ sở; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái.
- Vật liệu dùng để trang trí, ốp trần, tường cách âm cho các gian phòng đặc biệt là phòng hát karaoke cần trang bị bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, bên trong các vật liệu trang trí này không nên.
- Thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý các chất dễ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Tăng cường công tác tự kiểm tra; kiểm tra hệ thống điện, thiết bị âm thanh, ánh sáng, điều hoà nhiệt độ, đèn quảng cáo, phương tiện chữa cháy… để kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
- Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.