1.Thực trạng công tác vận hành, bảo trì hệ thống PCCC chung cư
Hiện nay, số lượng chung cư cao tầng trong cả nước xấp xỉ 3.000 tòa nhà, mặc dù công tác kiểm tra an toàn PCCC của lực lượng tại chỗ diễn ra thường xuyên, tuy nhiên những vấn đề liên quan đến việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tòa nhà chỉ được phát hiện khi các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ hoặc khi sự cố đã xảy ra. Qua công tác kiểm tra cho thấy, nhiều chung cư cao tầng có lắp đặt hệ thống PCCC nhưng công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng còn mang tính hình thức. Vì vậy, tại rất nhiều công trình dù được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được.
Bên cạnh đó, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy, nổ của người dân còn thấp, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất an toàn PCCC các nhà, chung cư cao tầng nhưng nổi bật trong đó là do đặc điểm kiến trúc, bố trí công năng sử dụng, đặc điểm kỹ thuật các hệ thống của toà nhà và công tác bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng.
2. Các lỗi thường gặp trong thiết kế - lắp đặt hệ thống PCCC chung cư khiến hệ thống hoạt động không hiệu quả
Chất lượng của quá trình thiết kế và lắp đặt thiết bị PCCC trong nhà, chung cư cao tầng là rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới các điều kiện an toàn PCCC của công trình. Qua kiểm tra an toàn PCCC ở một số cơ sở nhà, chung cư cao tầng cho thấy còn nhiều thiếu sót, sai phạm liên quan tới chất lượng thiết bị PCCC, cụ thể là:
– Không thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động đúng theo quy định của tiêu chuẩn;
– Không có bể dự trữ nước cho chữa cháy, hoặc có nhưng chung với bể nước sinh hoạt và không đủ dung tích dự trữ như quy định của tiêu chuẩn. Nguồn nước cấp vào bể yếu, không đảm bảo phục hồi đủ nước chữa cháy trong thời gian 24 giờ;
– Không có trạm bơm chữa cháy cố định (chỉ có một máy bơm xăng di động), không trang bị đầy đủ các trang bị phương tiện chữa cháy, cứu hộ cần thiết;
– Có bố trí trạm bơm chữa cháy nhưng công suất máy bơm không đảm bảo lưu lượng, áp lực để chữa cháy ở các tầng cao. Một số công trình thiết kế cấp nước chữa cháy theo kiểu tự chảy từ bể nước trên mái, như vậy không đảm bảo lưu lượng và áp lực chữa cháy, nhất là cho các tầng trên cùng;
– Bố trí các họng nước chữa cháy không bảo đảm theo yêu cầu mỗi điểm cháy phải có 02 họng cùng phun đến…;
– Chỉ có một buồng thang thoát nạn, nhưng buồng thang hở, không đảm bảo yêu cầu chống cháy, chống khói hoặc có thiết kế buồng thang kín nhưng không có hệ thống điều áp buồng thang, hoặc có nhưng áp lực yếu không đảm bảo yêu cầu chống tụ khói trong buồng thang;
– Bố trí, lắp đặt hệ thống chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn lối thoát nạn không bảo đảm theo quy định;
– Chỉ có một nguồn điện cho máy bơm chữa cháy, không có nguồn điện dự phòng hoặc máy phát điện dự phòng;
– Cửa ngăn cháy không đảm bảo về giới hạn chịu lửa theo tiêu chuẩn;
– Chất lượng các hệ thống, thiết bị PCCC chưa đảm bảo yêu cầu như: hệ thống báo cháy hay báo giả hoặc không hoạt động sau một thời gian sử dụng; đường ống cấp nước chữa cháy bị rò rỉ, không duy trì được áp lực chữa cháy theo yêu cầu; máy bơm chữa cháy (chủ yếu là bơm xăng) hay bị hư hỏng, trục trặc; hệ thống đèn chiếu sáng sự cố thường bị hỏng ác quy sau một thời gian hoạt động.v.v.
Thiết bị PCCC được trang bị tại công trình qua thời gian sử dụng đã xuống cấp, chưa được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời; chủ đầu tư không trang bị, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện PCCC hoặc những toà nhà sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ nên không còn quản lý. Vì vậy, không có Ban quản lý và không có kinh phí để đầu tư cho hoạt động PCCC. Phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn công trình được xây dựng không phù hợp với đặc điểm thực tế của tòa nhà; nhiều cơ sở không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn định kỳ theo quy định. Không phổ biến, hướng dẫn người dân sống trong tòa nhà các biện pháp thoát nạn khi sự cố xảy ra.
3. Giải pháp
Kiến trúc công trình cao tầng hiện đang phát triển ồ ạt ở các đô thị lớn của Việt Nam. Chủ đầu tư và các nhà quản lý rất chú trọng tới chất lượng thẩm mỹ, hình thức kiến trúc của các tòa nhà, công trình cao tầng, bởi khi chúng được xây dựng và hoàn thiện xong thực sự là biểu tượng và thương hiệu của chủ đầu tư và là vẻ đẹp của đô thị. Tuy nhiên, đằng sau cái vẻ đẹp đó là một loạt những đòi hỏi gắt gao về các yêu cầu kỹ thuật, trong đó yêu cầu về công tác bảo đảm an toàn PCCC là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị tốt công tác PCCC còn đem lại hiệu quả, uy tín cho các chủ đầu tư, khách hàng sẽ đặt niềm tin vào các công trình đảm bảo an toàn về PCCC.
Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình chung cư là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn. Bên cạnh những giải pháp đã trình bày ở trên, trách nhiệm của chủ đầu tư và ý thức của người dân trong công tác PCCC phải luôn đặt lên hàng đầu, quan trọng là chúng ta phải hạn chế nguy cơ và khi xảy ra cháy nổ, phải thật bình tĩnh để có thể đảm bảo an toàn cho gia đình và người thân.